Điện Ảnh: "The Shape Of Water", Oscar

Schedule

Thu May 26 2022 at 06:30 pm to 08:15 pm

Location

Vincent Le Café | Hanoi, HN

Advertisement
"The Shape Of Water": Chuyện Cổ Tích Dành Cho Những Người Lớn Cô Đơn...
Lấy bối cảnh thành phố Baltimore những năm 1962, phim xoay quanh cuộc đời giản dị của một cô lao công tên Elisa Esposito. Thế giới câm lặng của Elisa hoàn toàn thay đổi kể từ khi cô chạm mặt một sinh vật lưỡng cư do quân đội Mỹ bắt được ở vùng rừng sâu Amazon.
Hai kẻ thuộc hai giống loài khác biệt, sống trong những cảnh giam cầm khác nhau bỗng nhiên tìm thấy những cảm xúc tương đồng không thể diễn tả bằng lời. Tình cảm nảy nở giữa họ kéo theo những quyết định liều lĩnh, táo bạo và rồi thêu dệt nên một câu chuyện tình lãng mạn tới lạ kỳ trên màn ảnh.
Khi được hỏi về cảm hứng sáng tạo, Guillermo del Toro cho biết nhân vật thủy quái trong phim được ông xây dựng dựa trên hình ảnh của con quái vật trong bộ phim kinh dị nổi tiếng Creature from the Black Lagoon (1954). Trong tâm trí của cậu bé 6 tuổi người Mexico, con quái vật có vẻ ngoài gớm ghiếc lại mang vẻ đẹp thật đắm say. Và với cậu, đáng lý quái vật nên có kết thúc hạnh phúc bên cạnh người đẹp Julie Adams thay vì bị săn lùng và sát hại.
Guillermo del Toro có một tình yêu lớn dành cho những sinh vật khổng lồ, xấu xí. Chán ghét chuyện chúng bị đối xử như những kẻ phản diện tồi tệ, chỉ biết hù dọa và giết chóc trên màn ảnh, del Toro đã nung nấu ý tưởng trong nhiều năm, tự bỏ tiền túi, kêu gọi đầu tư và cuối cùng là “vẽ” nên chuyện tình Người đẹp và Quái vật của riêng mình.
Không giống như bộ phim cổ tích mơ mộng dành cho mọi lứa tuổi của hãng Walt Disney, phiên bản “quái vật biết yêu” do nhà làm phim có ngoại hình phốp pháp, phúc hậu đến từ Mexico thực hiện có những chi tiết trần trụi, tàn bạo và thật sự chỉ dành riêng cho người lớn.
Ngay từ những giây phút đầu tiên, The Shape of Water đã tỉ mẩn khắc họa cuộc sống thường nhật của nữ chính Elisa (Sally Hawkins). Cuộc đời của người phụ nữ có vẻ ngoài không mấy xinh xắn lặng lẽ trôi qua theo đúng lịch trình được cô sắp xếp: thức dậy vào buổi sáng để chuẩn bị đi làm, đi xe bus đến cơ quan để thực hiện công việc lao công và đến tối thì mệt nhoài về lại căn hộ nhỏ ngự trên một rạp chiếu bóng cũ kỹ.
Đoạn phim tuy ngắn nhưng đã phần nào mô tả được tính cách của Elisa –một người sống ngăn nắp, gọn gàng, biết tự hài lòng với bản thân nhưng mặt khác, cũng luôn phải đè nén những khát khao trong tâm can. Như hình ảnh Elisa đứng ngoài cửa hàng, đưa đôi mắt long lanh, thèm muốn nhìn vào đôi giày đỏ xinh xắn ở phía bên kia cửa kính.
Một trong những thói quen buổi sáng của Elisa chính là ngâm mình trong bồn tắm và tự… thỏa mãn bản thân. Khoảnh khắc này có thể khiến nhiều khán giả cảm thấy bất ngờ vì quá thực tế. Elisa cũng chỉ là một con người và ai mà chẳng có nhu cầu sinh lý.
Guillermo del Toro đã khẳng định, hành động tự sướng của Elisa chính là cách để ông “xé bỏ” suy nghĩ về sự tồn tại của một công chúa Disney trong phim của mình. Trong câu chuyện cổ tích của ông, không có hoàng tử hay công chúa, chỉ có những con người với bản năng và khát khao rất đời.
Hai nhân vật chính trong The Shape of Water - Elisa và thủy quái, là những người duy nhất trong phim không thể cất lên tiếng nói. Những giao tiếp thông thường của Elisa đều được diễn tả qua ngôn ngữ ký hiệu và được “dịch” lại với khán giả thông qua phụ đề hoặc lời nói của các nhân vật khác. Còn cảm xúc, thái độ của thủy quái đều được hiển hiện qua biểu cảm trên gương mặt.
Không có sự hiện diện của ngôn ngữ, sợi dây tình cảm của Elisa và thủy quái vẫn nảy nở và phát triển. Họ giao tiếp bằng mắt, chạm vào nhau và tìm thấy sự đồng điệu trong trái tim lẫn tâm hồn. Elisa luôn cảm thấy mặc cảm vì khiếm khuyết của bản thân. Nhưng thủy quái chẳng quan trọng chuyện cô có nói được hay không, anh đón nhận cô vì đơn giản cô là chính cô – người duy nhất thấu hiểu anh. Nỗi cô đơn, sự mặc cảm và lạc lõng là sợi dây kết nối, cuốn hút hai kẻ khác loài hướng về nhau.
Có rất nhiều chi tiết nhỏ được cài cắm trong phim, (như quá khứ của Elisa, vết sẹo trên cổ hoặc sở thích ăn trứng luộc…) khẳng định mối quan hệ của hai nhân vật chính là định mệnh. Vì vậy nên dù diễn biến tình cảm của Elisa và thủy quái có diễn ra hơi vội vàng, chưa thật sự tạo được cảm giác gắn bó sâu nặng nhưng vẫn khiến trái tim khán giả bị lay động.
Tình cảm và lý trí luôn là hai kẻ sống ở hai thế giới trái ngược nhau. Khi yêu, người ta thường đánh mất lý trí. Giống như cái cách Elisa phá vỡ mọi nguyên tắc của bản thân, vượt qua sự kìm kẹp của lý trí để mua đôi giày đỏ mà mình khao khát. The Shape of Water cũng là một tác phẩm khiến khán giả quên đi lý trí, chỉ còn lại cảm xúc dành cho tình yêu.
Elisa làm công việc quét dọn trong cơ quan nghiên cứu bí mật của chính phủ Mỹ. Đây là nơi giúp cô gặp gỡ thủy quái. Nhưng những buổi hẹn hò riêng tư của cả hai, hay đỉnh điểm là màn giải cứu “không tưởng” của những kẻ thường dân chưa từng làm gì phạm pháp lại diễn ra suôn sẻ một cách... bất hợp lý. Làm sao có chuyện phòng thí nghiệm bí mật của chính phủ Mỹ có thể “khắc nhập khắc xuất” dễ dàng đến như thế.
The Shape of Water mắc vài lỗi về mặt logic nhưng chưa kịp ngồi đong đếm, thì khán giả đã bị cuốn phăng bởi cơn bão cảm xúc và đồng cảm mà phim tạo ra. Dàn nhân vật có chiều sâu, được khắc họa ấn tượng và kết nối với nhau cực kỳ chặt chẽ là nhân tố tạo ra sự thành công này.
Bên cạnh hai nhân vật chính, tất cả các nhân vật khác, từ nhỏ đến siêu nhỏ, từ ác tâm đến thiện lương đều được khắc họa đầy đủ. Họ có động cơ, có mục đích và có những tâm sự riêng mà không bị chìm nghỉm trong mạch phim nhanh gọn, dứt khoát.
Bạn có thể tìm thấy chính mình trong hình bóng cô lao công da màu Zelda (Octavia Spencer). Nhân vật của cô nói khá nhiều và liên tục trong đa số cảnh phim, nhưng đó là cách duy nhất để một bà nội trợ suốt ngày nai lưng phục vụ ông chồng trì trệ, lười biếng giải tỏa cảm xúc. Cô nói mà không màng người khác có lắng nghe hay không, bởi cái cô cần chỉ là một nơi trút bỏ tâm sự và nỗi cô đơn của một người phụ nữ cam chịu.
Hay cuộc đời cô quạnh, thê lương của Giles (Richard Jenkins), một ông họa sỹ già cần mẫn đang bị tiến bộ kỹ thuật của thời đại tước mất “miếng cơm”. Tóc bạc trắng, dáng đi đã nặng nề nhưng khi đối diện với người thương – một anh chủ tiệm bánh ngọt đẹp trai, Giles bỗng hóa thành một đứa trẻ mới lớn.
Nhưng trong một xã hội vẫn còn đầy kì thị giới tính, thì liệu có ai dám mở lòng mà chấp nhận một gã hói đồng tính, già nua đi mua món bánh chanh dở tệ, ăn xong sẽ làm lưỡi xanh lè chỉ cốt để tạo ra chút ấn tượng nhỏ nhoi, với hy vọng “dại khờ” sẽ được người ta để mắt đến.
“Đôi khi tôi nghĩ mình là kẻ sinh ra quá sớm hoặc quá muộn trong cuộc đời này.” – Giles chua chát nhận xét về phần đời dài hơn nửa thế kỷ của mình cho quái vật. Nhưng ngay cả khi có mặt trong thời đại này, có lẽ ông vẫn là một kẻ cô đơn như rất nhiều con người hiện đại khác: chới với trong công việc và tuyệt vọng đi tìm tình yêu.
Và còn ở đó, một gã điệp viên hai mang (Michael Stuhlbarg) sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì tình yêu dành cho khoa học, cương quyết bảo vệ một sinh vật mà ông tin rằng nó có cảm xúc. Hay tay đại tá Strickland (Michael Shannon) tàn bạo, tham vọng và ích kỷ, cố chấp giữ lại những ngón tay bị cắt đứt cũng có những khoảnh khắc riêng, làm khán giả hiểu được vì sao họ nên căm ghét hắn cùng cực.
Tất cả các nhân vật trong The Shape of Water, tuy khác biệt về tính cách, thân phận nhưng đều có chung một thứ: nỗi cô đơn. Họ cô đơn trong gia đình, trong tình yêu và ngay trong cả tham vọng riêng. Và nỗi cô độc ấy thôi thúc họ hành động, cùng với hai nhân vật chính làm nên những điều không tưởng.
Bên cạnh những số phận riêng, The Shape of Water còn tái hiện lại những số phận chung của con người trong lịch sử nước Mỹ thời kỳ những năm 1960. Đó là thời điểm mà người phụ nữ vẫn sống trong cảnh bất bình đẳng, sự phân chia sắc tộc nặng nề còn đàn ông da trắng có quyền lực thì tự mãn xem mình như một vị thần. Pha lẫn những yếu tố xã hội còn là không khí căng thẳng trong cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Với kinh phí khiêm tốn 19,5 triệu USD, Guillermo del Toro vẫn chứng tỏ khả năng xoay sở, sáng tạo tuyệt vời để đem đến cho người xem những trải nghiệm choáng ngợp về sự giao thoa giữa hai thế giới: trên bờ và dưới nước. The Shape of Water là sự phản ánh rõ nét thế giới quan của del Toro: một hiện thực mang sắc màu cổ xưa, cũ kỹ nhưng lãng mạn và đong đầy yêu thương. Đây cũng là những điều giúp ông tạo được sự thành công ở buổi đầu sự nghiệp, với những The Devil’s Backbone (2001),Pan’s Labyrinth (2006)…
Khán giả luôn yêu thích những thứ có ngoại hình lung linh. Như việc nàng Bella nảy sinh tình cảm với Quái vật nhưng người mà nàng cưới thì bắt buộc phải là… hoàng tử. The Shape of Water có những tình tiết đẹp đẽ như cổ tích được tạo ra trên chính những hiện thực có phần… xấu xí.
Guillermo del Toro đã mường tượng đến Sally Hawkins khi viết nên nhân vật Elisa. Bằng diễn xuất tinh tế, nhạy cảm, Sally đã bóc tách mọi cung bậc cảm xúc trong con người nhân vật lúc hiền hòa, khi thì táo bạo, lúc lại thẹn thùng trong cảm xúc dành cho tình yêu. Vẻ ngoài của nữ diễn viên người Anh không thật sự ưa nhìn, nhưng như thế lại càng giúp khán giả có cơ hội khám phá và bị chinh phục bởi nội tâm của nhân vật nhiều hơn.
Có rất nhiều yếu tố góp phần tạo nên thành công của The Shape of Water: diễn xuất đầy xúc cảm của dàn diễn viên, những khuôn hình đẹp lung linh dưới nền nhạc du dương. Nhưng dấu ấn lớn nhất vẫn thuộc về chính đạo diễn Guillermo del Toro. Sự cân bằng giữa cảm xúc trong cách kể chuyện kết hợp với góc nhìn điện ảnh huyền ảo, phi thực đã giúp Guillermo del Toro tạo ra ấn tượng nổi bật hơn hẳn những đạo diễn khác trong năm nay.
The Shape of Water đang là bộ phim “thống lĩnh” nhiều bảng đề cử giải thưởng. Bản thân del Toro cũng đang là người chiến thắng hoặc là ứng cử viên hàng đầu cho hạng mục Đạo diễn Xuất sắc tại các lễ trao giải danh giá. Nhưng dù thắng hay bại, thì Guillermo del Toro vẫn có thể mỉm cười hài lòng. Bởi sau 25 năm theo đuổi nghệ thuật, ông cũng đã hoàn thành ước mơ lúc nhỏ của chính mình: biến một con quái vật trở thành nam chính cực kỳ quyến rũ trong một chuyện tình lãng mạn độc nhất vô nhị trên màn ảnh Hollywood.
THE SHAPE OF WATER, OSCAR 2018
Thời lượng: 126 Phút, FULL HD 1080P, Phụ Đề Tiếng Việt
Thời gian: 18:30 PM, Thứ Năm, Ngày 26 Tháng 5 Năm 2022.
Địa điểm: Vincent Le Café - Van Gogh Paintings, Books & Coffee, Số 91 Phố Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Đường rộng có chỗ để ô tô miễn phí.
Vincent không nhận đặt chỗ trước. Qúy khách vui lòng đến trực tiếp quán vào buổi chiếu phim.
Quý khách vui lòng đến đúng giờ và gọi đồ uống tại quầy tầng 1 trước khi xem phim.
Vincent Le Café - Van Gogh Paintings, Books and Coffee, 91 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Trân trọng kính mời,
Advertisement

Where is it happening?

Vincent Le Café, Số 9D5, Ngõ 9 Đường Khuất Duy Tiến, Hanoi, Vietnam

Event Location & Nearby Stays:

Vincent Le Caf\u00e9

Host or Publisher Vincent Le Café

It's more fun with friends. Share with friends